sgtvt@tphcm.gov.vn​ (84.028) 38.290.451
Nhiều phương án tăng cường kết nối với khu vực Ga Sài Gòn

Sở GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc tăng cường hiệu quả kết nối đường bộ - đường sắt và đề xuất giải pháp kết nối Ga Sài Gòn.

Ngày 5/7, Sở GVTT TP vừa có cuộc hợp với Bộ GTVT để đánh giá việc tăng cường hiệu quả kết nối đường bộ - đường sắt, đề xuất giải pháp kết nối tại Ga Sài Gòn.

Theo Sở GTVT TP, trên cơ sở báo cáo của Vụ Vận tải, Bộ GTVT đã có công văn gửi Sở GTVT TP.HCM nghiên cứu, báo cáo đề xuất UBND TP.HCM lựa chọn các loại phương tiện đường bộ phù hợp với hiện trạng và quy hoạch hạ tầng giao thông tại khu vực Ga Sài Gòn đảm bảo tăng cường hiệu quả kết nối đường bộ, đường sắt.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng phương án kết nối khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động; kéo dài thời gian phục vụ của tuyến buýt hiện hữu kết nối với Ga Sài Gòn, dự báo nhu cầu đi lại của hành khách để khôi phục, mở mới các tuyến xe buýt kết nối tới Ga Sài Gòn.

Bên cạnh đó là xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai việc tăng cường hiệu quả của hoạt động kết nối đường bộ - đường sắt tại Ga Sài Gòn.

Qua rà soát quy hoạch tại Quyết định số 491 năm 2013 của UBND TP.HCM về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng (quy hoạch phân khu) tỉ lệ 1/2000 khu dân cư liên phường 9, 10, 11, 12 và 13, quận 3, quy mô 140,54 ha, các tuyến đường xung quanh Ga Sài Gòn bao gồm:

Đường Trần Văn Đang (Nguyễn Thông đến Rạch Bùng Binh): lộ giới 20 m (lộ giới 16m đoạn góc đến Cống Hộp), bề rộng mặt đường 5m, tổ chức lưu thông 2 chiều xe 2 bánh và 1 chiều xe ô tô theo hướng từ đường Trần Quang Diệu đi đường Đỗ Thị Lời.

Đường Nguyễn Phúc Nguyên: lộ giới 20 m; bề rộng mặt đường 7,5 m, tổ chức lưu thông 2 chiều xe 2 bánh và cấm xe ô tô lưu thông theo hướng từ Công trường Dân Chủ đi Ga Sài Gòn trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ.

Đường Nguyễn Thông (từ Lý Chính Thắng đến Trần Văn Đang): lộ giới 20m (lộ giới 18-26 m với đoạn trước ga Hòa Hưng), bề rộng mặt đường 8 m, tổ chức lưu thông 2 chiều.

Các tuyến đường nêu trên chưa có kế hoạch đầu tư do không thuộc danh mục dự án được xác định theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030 đã được UBND TP.HCM ban hành tại Quyết định số 4833 năm 2020.

Ga Sài Gòn kết nối đường bộ qua 1 cổng vào và 1 cổng ra trên đường Nguyễn Phúc Nguyên. Tại các khu vực giao lộ như Trần Văn Đang – Nguyễn Thông, Trần Văn Đang – Trần Quang Diệu, khu vực Nguyễn Thông – Rạch Bùng Binh – Nguyễn Phúc Nguyên, tình hình giao thông ổn định.

Riêng tại khu vực Vòng xoay Công trường Dân Chủ và khu vực giao lộ Cách Mạng Tháng Tám – Rạch Bùng Binh, tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ xảy ra vào khoảng thời gian cao điểm chiều do mật độ phương tiện tập trung đông, khiến hành khách tiếp cận ga Sài Gòn sẽ gặp khó khăn.

Hiện nay, chỉ có tuyến xe buýt số 7 kết nối trực tiếp vào ga Sài Gòn. Ngoài ra, trên đường Cách mạng Tháng 8 còn có các tuyến xe buýt lân cận khu vực nhà ga như tuyến xe buýt số 13, 30, 65. Ngoài xe buýt, hành khách chủ yếu sử dụng taxi, phương tiện cá nhân (ô tô, mô tô) để di chuyển đến ga Sài Gòn.

Tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Cách mạng Tháng Tám ảnh hưởng đến đảm bảo hoạt động đúng giờ của tuyến xe buýt số 7 và các tuyến xe buýt lân cận. Ngoài ra, bề rộng của các đường kết nối (Nguyễn Thông, Nguyễn Phúc Nguyên) cũng hạn chế khả năng sử dụng xe buýt có sức chứa lớn.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM nhận thấy xe buýt nhỏ, taxi và các loại hình tương đương (xe bốn bánh có gắn động cơ) là loại hình phương tiện đường bộ phù hợp để kết nối Ga Sài Gòn với điều kiện hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khu vực, tăng thêm lựa chọn cho hành khách đến và rời ga Sài Gòn.

Đối với việc nghiên cứu xây dựng phương án kết nối khi tuyến metro số 1 đi vào hoạt động. TP.HCM cũng dự kiến tổ chức thêm 1 tuyến xe buýt kết nối từ ga Sài Gòn về ga Bến Thành. 

Trung tâm Quản lý Giao thông công đang triển khai lựa chọn đơn vị khai thác các tuyến xe buýt kết nối mettro số 11 1 theo hình thức có trợ giá dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 11-2024.

Ngoài ra, TP.HCM đang thí điểm xe điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện do Công ty TNHH Saigon Public Transport thực hiện (15.595 chuyến xe với 64.338 lượt khách, tính từ tháng 4 -2024 đến ngày tháng 7- 2024) nhưng phạm vi chỉ bao phủ quận 1, một phần quận 4, 5, 6, chưa bao phủ khu vực ga Sài Gòn.

Sau khi Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ có hiệu lực (ngày 1-12025), phạm vi hoạt động của loại hình này sẽ được xem xét, nhằm tăng cường kết nối với các điểm tham quan, du lịch và đầu mối giao thông, trong đó có Ga Sài Gòn.

Về tổ chức dịch vụ xe đạp, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng lấy ý kiến của UBND các quận-huyện và TP Thủ Đức về các vị trí đặt trạm xe đạp dự kiến và danh mục tuyến đường có hè phố tổ chức điểm bố trí công trình, tiện tích phục vụ giao thông công cộng. Hiện nay, Sở GTVT TP đang hoàn chỉnh danh mục theo ý kiến UBND các quận 1, 3, 4, 5, 10.

Bên cạnh đó là kéo dài thời gian phục vụ của tuyến buýt hiện hữu kết nối với Ga Sài Gòn, dự báo nhu cầu đi lại của hành khách để khôi phục, mở mới các tuyến xe buýt kết nối tới Ga Sài Gòn

Đối với việc xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai việc tăng cường hiệu quả của hoạt động kết nối đường bộ - đường sắt tại Ga Sài Gòn.

Ngoài các nội dung liên quan đến khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông, tổ chức hoạt động xe buýt, xe đạp công cộng, tuyên truyền, thông tin, việc chuẩn bị hoạt động cho xe bốn bánh có gắn động cơ cũng được lưu ý trong tăng cường hiệu quả hoạt động kết nối đường bộ - đường sắt tại Ga Sài Gòn.

Trên cơ sở các nội dung nêu trên, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận báo cáo của GTVT TP như: Đề xuất phạm vi vận chuyển hành khách bằng  xe bốn bánh có gắn động cơ; Mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn Quận 3; Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức các tuyến xe buýt kết nối nhà ga tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên; Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Giao Sở GTVT TP chủ trì, phối hợp với Công an TP, Sở Tư pháp, Sở Du lịch, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức và các đơn vị liên quan tham mưu UBND TP thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.