sgtvt@tphcm.gov.vn​ (84.028) 38.290.451
Tránh nhầm giờ, nhầm tuyến, người đi xe buýt ở TP.HCM nên tra cứu ra sao?

Nhiều hành khách đi xe buýt ở TP.HCM bị nhầm tuyến, nhầm giờ. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM hướng dẫn hành khách tra cứu đi xe buýt 'chuẩn'.

Một bến xe buýt ở TP.HCM - Ảnh: THU DUNG

Vừa qua một số người dân, tân sinh viên... chưa nắm rõ thông tin nên khi lên xe buýt bị nhầm tuyến, hoặc chờ cả tiếng mà xe không đến đón nhưng không biết tra cứu thông tin chuẩn ở đâu.

Trước đó, Tuổi Trẻ Online ngày 27-8 có bài viết "Tân sinh viên nhập học: Tôi hụt hẫng khi đón xe buýt tại TP.HCM" liên quan câu chuyện này.

Chờ hoài không thấy xe tới đón

Chị Huỳnh Ngọc Anh - người dân TP Thủ Đức - cho biết chị muốn đi từ chợ Long Trường (TP Thủ Đức) đến quận 1. Chị gõ tìm kiếm trên mạng thì ra rất nhiều thông tin loạn xạ, không biết dựa vào trang nào đi mới đúng.

Còn tân sinh viên Hồng Nhung muốn đi từ quận Tân Bình đến Trường đại học Giao thông vận tải (quận Bình Thạnh). Nhung vào trang web https:/xe-buyt.com/tim-duong-hcm để tra cứu thì được kết quả tuyến xe buýt số 60-7.

Trong đó còn có thông tin xe xuất phát từ bến mấy giờ, nhưng Nhung ra trạm đợi rất lâu không được xe đến đón.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết thường xuyên nhận được những thắc mắc như trên.

Lý do là một số trường hợp tra cứu nhầm website, trang thông tin cũ chưa cập nhật lộ trình tuyến, thời gian hoạt động tuyến...

Sinh viên chưa có thẻ phải làm sao?

Trung tâm khuyến cáo hành khách nên tìm hiểu kỹ về các tuyến xe buýt đi qua những địa điểm mà khách thường xuyên đến như trường học, ký túc xá... trên những trang thông tin đáng tin cậy. Sau đó lưu lại thời gian hoạt động của các tuyến xe, để tránh việc phải chờ đợi lâu hoặc lỡ chuyến.

Để biết thêm thông tin hoạt động vận tải hành khách công cộng (hoặc phản ánh khi gặp sự cố khi đi xe buýt) ở TP.HCM, hành khách có thể tra cứu chuẩn như sau:

- Gọi đến tổng đài 1022 (phím 9) cung cấp thông tin, hướng dẫn hành khách đi xe buýt, tiếp nhận thông tin góp ý về hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.HCM.

- Tra cứu trên ứng dụng: Go!Bus

Ứng dụng Go!Bus thông tin hoạt động xe buýt, dự báo thời gian xe buýt đến trạm và các tiện ích khác - Nguồn: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Website: buyttphcm.com.vn

Hình ảnh mã QR website buýt TP.HCM - Nguồn: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

- Fanpage Facebook: Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM

Fanpage chính thức của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - Nguồn: Sở Giao thông vận tải TP.HCM

Ngoài ra, hành khách luôn mang theo thẻ sinh viên hoặc vé xe buýt. Trường hợp chưa có thẻ sinh viên, tân sinh viên cần liên hệ trường cấp giấy xác nhận đang học tại trường. Giấy này thường được sử dụng để làm thủ tục mua vé xe buýt với giá ưu đãi.

Trong quá trình đi lại, nếu hành khách gặp bất cứ sự cố nào, phải lập tức báo cho tài xế, đơn vị quản lý, cơ quan chức năng hỗ trợ giải quyết.

Nhớ nhường ghế cho người già, trẻ em...

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng yêu cầu hành khách đi lại bằng xe buýt nên nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, hoặc người khuyết tật khi xe buýt đông đúc.

Nếu cần xuống xe thì nhấn nút báo dừng sớm để tài xế dừng xe đúng trạm bạn cần (lên cửa trước xuống cửa sau). Trong trường hợp xảy ra sự cố như xe quá đông hoặc bị lỡ trạm nên hỏi tài xế hoặc hành khách xung quanh để có hướng dẫn cụ thể.