Phương án trung chuyển khách vừa được Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề nghị Tổng Công ty cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) phối hợp các bên liên quan thực hiện.
Trước đó, theo mô hình trung chuyển được đơn vị trên đưa ra, việc triển khai sẽ thông qua phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh với việc tương tác giữa các bên liên quan (bến xe, doanh nghiệp vận tải, đơn vị trung gian...) để tổ chức đưa đón khách.
Khách có nhu cầu sẽ tải ứng dụng, đăng ký thông tin, theo dõi lộ trình xe trung chuyển đã đăng ký trên ứng dụng. Họ sẽ được đón, trả tại các địa điểm như trong bến xe, trung tâm thương mại, bệnh viện, hoặc theo nhu cầu thực tế với các vị trí cập nhật trên ứng dụng.
Khách lên xe trung chuyển tại bến Miền Đông mới, cuối năm 2022. Ảnh: Gia Minh
Ôtô trung chuyển sẽ dùng loại 29 chỗ trở xuống, hoạt động tất cả ngày trong trong tuần, kể cả lễ, Tết. Chi phí vận chuyển tính vào giá vé xe của hành khách.
Việc trung chuyển khách được Samco đề xuất làm hai giai đoạn. Đầu tiên sẽ áp dụng tại bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) với việc chuyển tiếp qua một số khu vực nội thành, gồm: quận 1, 3, 5, 7, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, TP Thủ Đức. Tùy theo nhu cầu thực tế, các đơn vị sau đó sẽ mở rộng sang những địa bàn khác.
Giai đoạn sau, việc trung chuyển khách áp dụng cho 4 bến xe liên tỉnh còn lại ở TP HCM, gồm: Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), Miền Đông cũ (Bình Thạnh), An Sương (huyện Hóc Môn) và Ngã tư Ga (quận 12). Những nơi này dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Trước đó, từ cuối năm 2022 hãng xe Phương Trang phối hợp Samco tổ chức xe trung chuyển miễn phí cho khách đi và đến bến xe Miền Đông mới. Phương án này giúp hành khách đi lại dễ dàng hơn cũng như giảm chi phí trong điều kiện bến xe ở xa nội thành. Do vậy, việc hình thành hệ thống trung chuyển và mở rộng thêm các bến xe sẽ tạo thuận lợi cho hành khách. Phương án này cũng được cho góp phần hạn chế tình trạng "xe dù, bến cóc" ở khu nội thành.