sgtcc@tphcm.gov.vn​ (84.028) 38.290.451
Đường sắt Anh Quốc sắp tròn 200 tuổi

Anh Quốc được xem là nơi khai sinh môn bóng đá hiện đại – môn “thể thao vua” được yêu thích nhất trên hành tinh chúng ta. Anh Quốc cũng là nơi khởi đầu cho nhiều điều quan trọng khác trong lịch sử văn minh nhân loại, như: Quốc hội lập hiến, cuộc Cách mạng Công nghiệp... Anh Quốc còn là nơi khai sinh ngành đường sắt và đường sắt đô thị metro ngầm – các loại hình giao thông vận tải với năng lực chuyên chở hàng, chuyên chở khách thuộc loại “vô đối” xưa nay, cũng là những phát minh đã góp phần rất quan trọng thay đổi đáng kể xã hội, cuộc sống của con người. Trong năm 2025 sắp đến, người dân Anh Quốc sẽ tự hào đón mừng sinh nhật thứ 200 của ngành đường sắt của Vương quốc và cũng là sinh nhật của ngành đường sắt thế giới. Xin giới thiệu với bạn đọc bài trên tạp chí “Railway Pro” về chuỗi sự kiện này trong năm 2025.

Nhiều hoạt động và sự kiện chào mừng sẽ diễn ra trong suốt năm 2025.

Bài: Andrei Dumitru, đăng trên tạp chí “Railway Pro” số 234 (tháng 12 năm 2024)

Nguyễn Đức Huy dịch và chú giải thêm

(Người dịch) – Anh Quốc được xem là nơi khai sinh môn bóng đá hiện đại – môn “thể thao vua” được yêu thích nhất trên hành tinh chúng ta. Anh Quốc cũng là nơi khởi đầu cho nhiều điều quan trọng khác trong lịch sử văn minh nhân loại, như: Quốc hội lập hiến, cuộc Cách mạng Công nghiệp... Anh Quốc còn là nơi khai sinh ngành đường sắt và đường sắt đô thị metro ngầm – các loại hình giao thông vận tải với năng lực chuyên chở hàng, chuyên chở khách thuộc loại “vô đối” xưa nay, cũng là những phát minh đã góp phần rất quan trọng thay đổi đáng kể xã hội, cuộc sống của con người. Trong năm 2025 sắp đến, người dân Anh Quốc sẽ tự hào đón mừng sinh nhật thứ 200 của ngành đường sắt của Vương quốc và cũng là sinh nhật của ngành đường sắt thế giới. Xin giới thiệu với bạn đọc bài trên tạp chí “Railway Pro” về chuỗi sự kiện này trong năm 2025.

 

Cờ trang trí chào mừng kỷ niệm sự kiện lịch sử 200 năm ra đời của ngành đường sắt Anh Quốc Railway 200. Trên đường ray dọc theo ke ga là một chiếc đầu máy cũ, chạy được bằng sức kéo động lực của máy hơi nước. Ảnh: NetworkRail

Chỉ chưa đầy một tháng nữa là chúng ta sẽ bước vào năm 2025năm đánh dấu 200 năm hình thành và phát triển ngành đường sắt hiện đại ở Anh Quốc. Và như vậy chúng ta có thể nhắc lại rằng, gần hai trăm năm trước, tại một thị trấn nhỏ phục vụ việc khai thác mỏ ở hạt (county) Durham, khoảng 550 con người đã làm nên lịch sử.

Mặc dù lộ trình tuyến đường dài khoảng 27 dặm Anh (mile) của họ, bắt đầu từ Shildon, qua Darlington, đến Stockton bên bờ sông Tees, không phải là lộ trình tàu hỏa đầu tiên trong lịch sử và “Locomotion huyền thoại” cũng không phải là chiếc đầu máy hơi nước đầu tiên trên thế giới, nhưng ngày 27 tháng 9 năm 1825 đó đã đi vào sử sách.

Vào ngày thứ ba của tháng 9 năm đó, một số “thành phần xã hội” (“ingredients”) khác nhau đã cùng kết hợp lại để xây dựng nên tuyến đường sắt (được xem là) hiện đại đầu tiên của thế giới: kỹ thuật mới, cách thức mới trong việc bỏ vốn đầu tư, và tư duy pháp lý khác biệt. Tuyến đường sắt Stockton - Darlington – S&DR (Stockton and Darlington Railway) đã khơi dậy sức sáng tạo của nhân loại. Đó là sự bắt đầu của một “cơn sốt đường sắt” (“railway mania”) và một sự chứng minh mà từ đó đã gắn chặt đường sắt với vai trò một phương thức giao thông vận tải của tương lai (the transportation mode of the future). Theo một số nguồn tin thời đó, sự kiện này đã tụ tập được một đám đông có đến khoảng 40.000 người.

Một ngày trọng đại đến vậy trong lịch sử ngành đường sắt hẳn không thể không được ghi dấu. Vì vậy mà Railway 200 đã xuất hiện như một đợt kỷ niệm trên toàn bộ Vương quốc về một ngày quan trọng của năm 1825 và thời điểm mà ngành giao thông vận tải đường sắt đã được đẩy lên một vị trí quan trọng, đáng chú ý (was catapulted into the spotlight).

Tháng 01 năm 2025 sẽ đánh dấu sự bắt đầu của đợt kỷ niệm kéo dài một năm để chào mừng cột mốc 200 năm hình thành của ngành đường sắt hiện đại, với nhiều sự kiện tôn vinh thời điểm lịch sử này và giúp công chúng hiểu rõ được thêm về vai trò của đường sắt trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Jake Kelly – Giám đốc điều hành của Network Rail (1) tại khu vực phía Tây của Anh Quốc, gọi Railway 200 là “cơ hội có một không hai để kỷ niệm, ghi nhận tác động sâu rộng của đường sắt đối với đời sống nhân loại cho đến ngày nay và đường sắt sẽ định hình một tương lai bền vững hơn như thế nào.”

Hạt (county) (2) Durham và khu vực thung lũng sông Tees sẽ là “chấn tâm (epicentre) của một lễ hội quốc tế bắt đầu vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 11 năm 2025. Được truyền cảm hứng từ ngày khai trương tuyến đường sắt Stockton - Darlington (S&DR) năm xưa, S&DR200 sẽ gồm một loạt các buổi biểu diễn quy mô lớn ngoài không gian mở, các hoạt động sự kiện và triển lãm, tất cả đều được miễn vé.

Railway 200 là chương trình ưu tiên sự tương tác với người tham dự, bao gồm các hoạt động và các sự kiện diễn ra trên khắp Anh Quốc, được sự chung sức đóng góp của ngành đường sắt, Chính phủ Anh Quốc, Transport Scotland, Transport for Wales, Northern Ireland Executive, các tổ chức và doanh nghiệp đường sắt, các nhóm xã hội dân sự và hoạt động cộng đồng cùng nhiều đối tác khác, trong đó có Visit Britain (3) và Hiệp hội các bảo tàng – MA (Museums Association).

Hồi còi tàu (whistle-off) (4) ngày 01 tháng 01 năm 2025

Railway 200 sẽ được khởi động bằng hành động đồng loạt nổi lên hồi còi tàu (whistle-off) của các đầu máy tàu hỏa cổ vào lúc 12 giờ trưa ngày 01 tháng 01 năm 2025 tại các địa điểm trên khắp Vương quốc Anh, do Hội Di sản đường sắt – HRA (Heritage Railway Association) tổ chức điều phối chung.

Ngoài ra, sẽ có đợt giám giá tàu trên toàn quốc cho Railway 200 vào đầu năm 2025 với các mức giảm lớn (big discounts).

Trong ba ngày, Tập đoàn chế tạo - sản xuất đầu máy, toa xe đường sắt Alstom sẽ tổ chức The Great Gathering (tạm dịch: Cuộc hội ngộ lớn) tại Nhà máy Litchurch Lane – một công xưởng có giá trị lịch sử lâu đời tại thành phố Derby {hạt Derbyshire, Anh Quốc}, qua đó sẽ đem đến cho công chúng một màn trình diễn đương đại lớn nhất của các phương tiện giao thông đường sắt và các cuộc triển lãm về quá trình phát triển của ngành đường sắt trong lịch sử.

Một trong các chương trình khác nhằm thu hút công chúng là đoàn tàu triển lãm, được đặt tên là “Inspiration” (nguồn cảm hứng). Đoàn tàu này sẽ đi khắp mạng lưới đường sắt Anh Quốc, đỗ tại các nhà ga đường sắt đầu mối, các tuyến đường sắt di sản và và các đề-pô (depot) (5) đường sắt vận chuyển hàng hóa. Đoàn tàu hiện đang còn được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nội dung, chủ đề triển lãm trong sự phối hợp làm việc với Bảo tàng Đường sắt Quốc gia, một thành viên của Nhóm các bảo tàng khoa học – SMG (Science Museum Group). Dự kiến đoàn tàu này sẽ đem đến nhiều triển lãm có tính tương tác (interactive exhibition) giúp khách tham dự tìm hiểu về quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành đường sắt.

Ngoài mục đích kỷ niệm một ngày đáng nhớ trong lịch sử, chuyến tàu Inspiration còn được thiết kế nhằm mục đích truyền thêm cảm hứng cho giới trẻ và những người khác lựa chọn nghề nghiệp trong ngành đường sắt giúp cho mọi người thấy rõ sự đa dạng của các vị trí chuyên môn khác nhau trong các hoạt động đường sắt.

Các nhà tổ chức dự kiến rằng có ít nhất 400 nghìn người, bao gồm các đoàn khách từ các trường học và các gia đình, sẽ đến tham quan đoàn tàu này. Kế hoạch lộ trình tàu hiện vẫn chưa được “chốt” lại cụ thể và sẽ sớm được công bố vào đầu năm sau.

Có thể kể đến một số hoạt động khác, như: mở cổng cho tham quan {các cơ sở đường sắt cũ, hiện không còn được khai thác} và các tuyến đường ray cũ mà ngày nay đã trở thành di sản (heritage trails), giao lưu với các nhân viên đường sắt và các sự kiện cộng đồng, phát hành sách kỷ niệm, các cuộc triển lãm, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các buổi nói chuyện với công chúng và ở các trường học, trình diễn các thế hệ đầu máy hơi nước, tham quan thực địa, vẽ tranh tường, giải câu đố và gây quỹ từ thiện.

Cuộc hội ngộ lớn do Alstom tổ chức, của các thế hệ đoàn tàu đường sắt

Locomotion No. 1 – chiếc đầu máy tàu hỏa hơi nước đầu tiên chạy trên tuyến S&DR đã được doanh nghiệp Robert Stephenson and Company ở thành phố Newcastle {hạt (county) Tyne and Wear, Anh Quốc} chế tạo. Đây là công ty đầu tiên trên thế giới được thành lập để chuyên sản xuất đầu máy tàu hỏa, và về sau còn sản xuất, cung cấp một số đầu máy đầu tiên cho các quốc gia khác bên ngoài Anh Quốc. Trải qua nhiều lần mua bán, sáp nhập sau đó, từ năm 1989 Robert Stephenson and Company đã trở thành một phần của Tập đoàn Alstom (6), điều này đã làm cho Alstom nay lại có được mối liên hệ trực tiếp với buổi bình minh của ngành đường sắt (the dawn of the railways) và trở thành người trông giữ cho một di sản vô song (the custodian of a unique heritage).

Là một phần của chương trình Railway 200 sẽ được diễn ra vào năm sau, Nhà máy Litchurch Lane tại thành phố Derby sẽ đảm nhận vai trò “sân khấu trung tâm” để tổ chức cuộc tập trung lớn nhất của thời kỳ đương đại của các (loại) đoàn tàu và các triển lãm về chủ đề đường sắt với những hiện vật được trưng bày, giới thiệu hiếm gặp trước đây. Các buổi mở cửa vào cuối tuần sẽ được tổ chức vào thứ Sáu ngày 01 tháng 8, thứ Bảy ngày 02 tháng 8 và Chủ Nhật ngày 03 tháng 8 năm 2025.

Hợp tác rộng rãi với các tổ chức khai thác di sản và các doanh nghiệp vận doanh của ngành đường sắt, The Great Gathering được hứa hẹn sẽ giới thiệu đến công chúng  các phương tiện giao thông đường sắt tiêu biểu của ngành đường sắt Anh Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bên cạnh các cuộc trưng bày các đầu máy đường sắt có giá trị lịch sử và các đầu máy hiện đại, lễ hội đường sắt lớn nhất Anh Quốc còn có các chuyến tàu đi trên đường thử tàu Derby (Derby Test-Track), nhiều sa bàn cho đoàn tàu mô hình thu nhỏ (miniature trains) hoạt động và những màn trình diễn của một số vị có tên tuổi hàng đầu về đường sắt mô hình {một trò chơi và cũng là một ngành công nghệ giải trí lớn ở các nước có ngành đường sắt phát triển lâu đời}.

  

Nhà máy Litchurch Lane chuyên về chế tạo - sản xuất đầu máy, toa xe đường sắt tại thành phố Derby. Công xưởng có giá trị lịch sử này nay thuộc sở hữu của Tập đoàn Alstom. Ảnh: Alstom

The Greatest Gathering không chỉ là dịp kỷ niệm 200 năm đổi mới không ngừng của ngành đường sắt mà còn là nơi giới thiệu về một thế giới tương lai mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng”, Nick Crossfield – Giám đốc điều hành của Alstom tại Anh Quốc và Ireland (Cộng hòa Ai-len) cho biết.

“Tại Alstom, chúng tôi vô cùng tự hào về di sản mà mình đang được trông giữ và cũng rất vui mừng khi mở cửa Công xưởng Litchurch Lane – một địa điểm là di sản của các tiền nhân ngành đường sắt mà vẫn tiếp tục hoạt động đến tận ngày nay. Sự kiện này sẽ là cơ hội để truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp, tôn vinh những thành tựu chung của chúng ta và tái khẳng định tầm quan trọng của đường sắt trong việc tạo ra một tương lai bền vững và được kết nối tốt hơn”, Crossfield nói thêm.

Litchurch Lane tại Derby là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới chuyên về sản xuất đầu máy, toa xe đường sắt và là công xưởng duy nhất tại Anh Quốc có đủ các chức năng thiết kế, chế tạo và các thử nghiệm phương tiện giao thông đường sắt cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhà máy này được Midland Railway {từng là một trong những công ty đường sắt lớn nhất Anh Quốc hồi đầu thế kỷ 20} mở cửa vào năm 1876, và ngành đóng tàu đường sắt ở Derby đã hoạt động liên tục từ năm 1839 đến nay.

Alstom đang lên kế hoạch tổ chức một số sự kiện kỷ niệm khác để đóng góp vào Railway 200 trong suốt năm 2025, trong đó có một ngày mở cửa cho khách tham quan để kỷ niệm 150 năm xây dựng đề-pô đường sắt Polmadie tại thành phố Glasgow, Scotland {depot này cũng được Alstom sở hữu sau các thương vụ mua bán, sáp nhập như đối với “Robert Stephenson and Company” và Nhà máy Litchurch Lane tại Derby}. Nhiều hoạt động kỷ niệm khác cũng sẽ được Tập đoàn Alstom tổ chức trên toàn cầu.

Những thời điểm quan trọng trong lịch sử ngành đường sắt

1804: Một vụ đánh cuộc

Lịch sử ngành đường sắt bắt đầu bằng một vụ đánh cuộc. Liệu rằng một đầu máy hơi nước có thể chở nổi 10 tấn than đi hết 10 dặm không? Richard Trevithick thiết kế chiếc đầu máy mang tên Pen-y-Darren, và đã đi được gần hết quãng đường đó trên đường ray, mất khoảng 4 giờ.

1807: Những hành khách đầu tiên trả tiền

Đường sắt Swansea - Mumbles {tuyến này ở Xứ Wales, di từ thành phố Swansea đến khu vực mỏ khai thác quặng, đá Mumbles} chuyển từ chở hàng {quặng sắt, than, đá vôi} sang chở khách, đây là công ty đầu tiên trong lịch sử làm như vậy – vận doanh dịch vụ vận chuyển hành khách. Mặc dù đoàn tàu chạy trên các đường ray, nhưng các toa xe lại được kéo bằng sức ngựa.

1808: Sự hoài nghi của các nhà đầu tư

Richard Trevithick xây dựng một đường thử tàu (test track) dạng hình tròn nhằm chứng minh cho các đối tác có tiềm năng bỏ vốn đầu tư thấy được trực quan các ưu điểm của đầu máy hơi nước. Tuy cuộc trình diễn này không thu hút được các nhà đầu tư nhưng đem lại cảm hứng cho tương lai.

   

Hình ảnh chiếc đầu máy “huyền thoại” Rocket năm 1829 của Stephenson khi còn được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học (Science Museum) tại London, Anh Quốc vào những năm trước 2018. Ảnh: ScienceMuseum

1825: Đường sắt Stockton và Darlington mở cửa

Vào ngày 27 tháng 9 năm 1825, tại nhà ga gần thị trấn Shildon, một chiếc đầu máy hơi nước khởi hành, kéo theo các toa xe chở khoảng 550 hành khách.

Đường sắt hiện đại ra đời từ đây.

1829: Chiếc đầu máy huyền thoại mang tên Rocket

Chiếc đầu máy hơi nước do Robert Stephenson thiết kế và chế tạo, và được đặt tên là Rocket (7), trở thành mẫu thiết kế cho nhiều loại đầu máy tàu hỏa về sau. {vì Rocket được áp dụng những cải tiến kỹ thuật “đột phá” hơn hẳn các kiểu đầu máy cùng thời, trong đó có cả Locomotion No. 1 được nói trên}

Những năm 1840 và 1850: Tác động của đường sắt

Các thị tứ có kết nối với các tuyến đường sắt chính, như Swindon, Doncaster và Crewe, bắt đầu phát triển khi ngành đường sắt củng cố được vai trò quan trọng trong việc vận chuyển. Từ một ngôi làng nhỏ, chỉ trong vòng vài năm, Swindon trở thành một thành phố công nghiệp hiện đại. {Swindon cách London khoảng 115 km về phía Tây, hiện là thành phố đông dân nhất hạt (county) Wiltshire. Thành phố này có các đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ của Anh Quốc.}

1841: Toa xe Hoàng gia đầu tiên

Toa xe Hoàng gia (Royal carriage) đầu tiên “ngự giá” trên đường ray đường sắt: Bác dâu của Nữ Vương Victoria – Vương Hậu (Dowager Queen) Adelaide, du hành bằng đường sắt trên một toa tàu hạng nhất được cải tạo lại, để đi tham quan miền Bắc nước Anh. {Nữ Vương Victoria ngự trị Anh Quốc từ 1837-1901, tạo nên “thời đại Victoria” (the Victoria Era) với sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt của Đế quốc Anh}

Những năm 1840: Mái che cho toa hạng 3

Cho đến năm 1844, hành khách đi tàu trên các toa hạng 3 phải trang phục kỹ càng, bắt buộc phải đội mũ và mang theo ô vì cho đến năm đó các toa tàu hạng này vẫn chưa được bố trí mái che. Khói tàu tỏa ra từ đầu máy phía trước cũng là trải nghiệm rất không dễ chịu.

Những năm 1840: “Cơn sốt vàng” (gold rush) với ngành đường sắt

Khi mạng lưới đường sắt bắt đầu được mở mang thêm, các nhà đầu tư lớn và nhỏ đều đánh cuộc vào một phương thức vận tải mới. Nhiều người bị phá sản, trắng tay nhưng cũng có nhiều người khác thành công với phương thức đầu tư mới.

1842: Vé tàu theo quy cách Edmondson

Vé đi tàu theo quy cách do ông Thomas Edmondson – một trưởng ga đường sắt ở Anh Quốc sáng chế, trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho vé (giấy) đi tàu đường sắt {về các kích thước, nội dung thông tin, in ấn, phát hành...}.

1847: Giờ đường sắt (Railway Time)

Nhờ có đường sắt mà giờ chuẩn Greenwich – GMT (Greenwich Mean Time) được trở thành mốc thời gian chuẩn ở Anh Quốc. Sau khi bị nhiều hành khách phản ánh, các công ty đường sắt đã cùng chọn áp dụng giờ GMT để thống nhất chung và giúp cải thiện được tính chất đúng giờ trên toàn mạng lưới đường sắt lúc ấy đã có rất nhiều tuyến.

   

Chiếc đầu máy hơi nước “huyền thoại” Mallard số hiệu 4468 được trưng bày tại Bảo tàng Đường sắt Quốc gia (National Rail Museum) tại thành phố York, hạt North Yorkshire, Anh Quốc. Năm 1938, Mallard đã đạt vận tốc 126 dặm Anh/giờ (mph) ~ 203 km/h – một kỷ lục thế giới về vận tốc nhanh nhất của đầu máy hơi nước (the world speed record for steam locomotives). Kỷ lục này vẫn đứng vững cho đến nay. Ảnh: RailwayPro

1848: Bưu điện trên đường ray

Đường sắt cách mạng hóa việc lưu thông và truyền tin giữa Anh Quốc và Ireland. Các chuyến tàu, được gọi là The Irish Mails (tàu bưu chính Ai-len), hoạt động cả ngày lẫn đêm để vận chuyển thư từ bưu kiện đến/đi từ bến phà biển nối giữa thành phố cảng Holyhead ở Xứ Wales và Thủ đô Dublin của Ireland {qua biển Ireland}.

1852: Câu chuyện về hai thành phố (A tale of two cities) (8)

Belfast {Thủ phủ của Bắc Ai-len thuộc Anh Quốc} và Dublin {Thủ đô của nước Cộng hòa Ai-len} được nối với nhau bằng đường sắt. Tuyến đường sắt này vẫn duy trì qua suốt các cuộc xung đột và chia rẽ trong thế kỷ 20 và tiếp tục là tuyến giao thông quan trọng nối giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cho đến ngày nay.

Những năm 1860: Du lịch đường sắt

Năm 1860, có khoảng 23.000 du khách đã đi tàu đến Blackpool {một thành phố biển thuộc hạt (county) Lancashire ở Tây Bắc nước Anh}. Tuyến đường sắt đã mở ra phong trào du lịch số đông cho đại chúng.

1876: Thảm kịch dẫn đến việc cải thiện hệ thống tín hiệu đường sắt

Tuyết rơi nặng đã chặn lại cánh xoay của một cột tín hiệu đường sắt tại Abbots Ripton {một địa danh cấp xã/trấn ở phía Đông nước Anh} khi tín hiệu vẫn giữ nội dung hiển thị cho tàu thông suốt. Một vụ tai nạn kinh hoàng đã làm thiệt mạng 13 người và phá hủy ba đoàn tàu. “Nguy hiểm” (DANGER) trở thành cài đặt mặc định cho các cột tín hiệu đường sắt.

1879: Thức ăn trên toa xe

Công ty Great Northern Railway giới thiệu toa xe có phục vụ ăn uống (dining car) đầu tiên của Anh Quốc.

Những năm 1880: Các toa xe có chỗ ngủ (sleeping carriages)

Năm 1873, Công ty North British Railway lần đầu cho ra mắt toa xe có ghế ngồi mà có thể chuyển được thành giường ngủ trên tuyến đường sắt chính bên bờ Đông – ECML (East Coast Main Line) {một trong những tuyến “xương sống” của đường sắt Anh Quốc, nối từ London đến Edinburgh ở Scotland}. Dịch vụ này trở nên phổ biến và từ những năm 1880, các toa tàu được thiết kế chuyên dụng để có chỗ cho hành khách nằm ngủ đã được sản xuất nhiều dần.

1886: Thanh móc coupler của một nhân viên dồn dịch toa tàu (shunter) trong bãi đậu

Ông Tuff ở York đã nghĩ ra và cải tiến một thanh dài có móc để ghép nối các toa tàu lại với nhau từ một vị trí an toàn bên ngoài, giúp cho người thao tác không còn phải đứng giữa các toa. {bộ phận của mỗi toa tàu để móc nối với các toa tàu khác được gọi là coupler, còn hành động liên kết hai toa lại với nhau được gọi là coupling}. Sáng chế này đã cứu sống hàng nghìn người {do sự nguy hiểm trong tác nghiệp này trước đó}. Tuff đã từ chối đăng ký bằng sáng chế cho sáng tạo kỹ thuật này.

1890: Cầu (đường sắt) Forth được khánh thành

Chiếc cầu này là công trình cầu lớn đầu tiên bằng kết cấu thép ở Anh Quốc, mà ngày nay đã là một Di sản Thế giới – WHS (World Heritage Site) mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc – UNESCO công nhận {các công trình cầu trước đó đều chưa ở quy mô đủ lớn và có sử dụng thép được sản xuất “luyện thép” theo quy trình công nghiệp hiện đại như ở cầu này}. Cầu được xây dựng cho tuyến đường sắt băng qua Firth of Forth {tạm dịch: vùng nước cửa biển của sông Forth}, ở phía Tây của Edinburgh.

1892: Tiêu chuẩn hóa khổ đường ray

Các tuyến đường sắt chính của Anh Quốc được kết nối đồng bộ với nhau bằng một khổ đường ray tiêu chuẩn (standard gauge) thống nhất.

1900: Tàu điện phục vụ cho những người sống ở ngoại ô và đi lại làm việc hàng ngày trong đô thị

Công ty Lancashire and Yorkshire Railway (L&YR) và Công ty Southern Railway (SR) giới thiệu các dịch vụ chuyên chở đối tượng hành khách commuter bằng tàu điện trên các tuyến đường sắt nối kết trung tâm đô thị và vùng ngoại vi. {commuter là từ ngữ để chỉ nhóm đối tượng hành khách là những người sống ở ngoại ô và đi lại làm việc hàng ngày trong đô thị, trong tiếng Việt chưa có từ ngữ ngắn gọn với nghĩa tương đương; đoàn tàu phục vụ chủ yếu đối tượng hành khách này được gọi là commuter train}

1913: Công đoàn toàn quốc của công nhân đường sắt – NUR (National Union of Railwaymen)

Một số nghiệp đoàn của nhân viên đường sắt đã liên kết với nhau để thành lập một tổ chức chung toàn quốc, nhằm tranh đấu hiệu quả hơn cho quyền lợi của người lao động trong ngành.

1923: “Big Four” (tứ đại công ty đường sắt Anh Quốc)

Các công ty đường sắt được gọi là “Big Four” gồm có: LNER (London and North Eastern Railway), LMS (London, Midland and Scottish Railway), GWR (Great Western Railway) và SR (Southern Railway), được thành lập theo Luật Đường sắt năm 1921 của Nghị viện Anh Quốc. Theo Đạo luật này, nhiều công ty đường sắt quy mô nhỏ đã được sáp nhập thành bốn công ty có tài lực lớn hơn nhiều, nhằm mục đích cải thiện chất lượng dịch vụ vận chuyển.

1938: Kỷ lục thế giới

Đầu máy có hình dạng khí động học (aerodynamic locomotive) của LNER, được đặt tên là Mallard, kéo theo một toa xe thử nghiệm với một số kỹ sư đường sắt trên đấy. Đầu máy này đạt đến vận tốc đáng kinh ngạc là 126 dặm Anh/giờ (mph) ~ 203 km/h –  một kỷ lục thế giới mà cho đến ngày nay vẫn “đứng vững”, chưa bị phá vỡ. {Đây chỉ là kỷ lục thế giới về vận tốc nhanh nhất của đầu máy hơi nước (the world speed record for steam locomotives)}

1948: Quốc hữu hóa ngành đường sắt

Vào ngày 01 tháng 01 năm 1948, Chính phủ Lao Động (the Labour government) {tức Chính phủ do Đảng Lao Động, hay còn gọi là Công Đảng Anh, nắm quyền lúc ấy} đã tiến hành quốc hữu hóa ngành đường sắt Anh Quốc. Tập đoàn British Railways (BR) được hình thành.

1950: Tàu chạy bằng nhiên liệu diesel thành xu thế chủ đạo

Mặc dù tàu chạy bằng nhiên liệu diesel đã hoạt động trên mạng lưới đường sắt từ những năm 1920, chúng chỉ thực sự trở nên phổ biến từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

1960: Evening Star và sự kết thúc của thời đại đầu máy hơi nước

Một trong những chiếc đầu máy đường sắt cuối cùng chạy bằng sức kéo hơi nước, đã rời khỏi Công xưởng Swindon của GWR. Hàng nghìn đầu máy khác không còn được sử dụng nữa. Năm 1965, đầu máy Evening Star {dòng đầu máy hơi nước cuối cùng của BR} được rút khỏi hoạt động vận tải.

1963: Báo cáo Beeching

Ngài Richard Beeching được bổ nhiệm làm Chủ tịch BR và đã chủ trì tiến hành một quá trình chuyển đổi mà đến tận ngày nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Hơn 2.000 nhà ga đường sắt và 5.000 dặm đường ray đã được những người có thẩm quyền “để mắt” đến việc dừng hoạt động. Nhiều chương trình cải cách từ thời đó vẫn chưa thể hoàn tất.

1965: British Rail

Ngành đường sắt Anh Quốc trải qua một giai đoạn chuyển đổi toàn diện trong việc tái nhận diện thương hiệu. Logo của British Rail rồi sẽ trở thành một phần trong trí nhớ của cộng đồng và được sử dụng cho đến tận ngày nay.

   

Một số đầu máy và đoàn tàu thuộc các giai đoạn phát triển khác nhau của đường sắt Anh Quốc đang đậu trên đường ray tại depot Old Oak Common, London. Ảnh: Hội Di sản đường sắt – HRA (Heritage Railway Association)

Những năm 1970: Yêu cầu cao về vận tốc chạy tàu

Nhóm nghiên cứu của British Rail tại Trung tâm Kỹ thuật đường sắt ở Derby, với lứa chuyên gia mới của thế hệ sau và các thiết bị tiên tiến, hiện đại – trong đó có một “siêu máy tính” từ Hãng IBM, đã triển khai nhiều ý tưởng nhằm cải thiện hoạt động đường sắt. Các đề xuất có thể được nhắc đến là công nghệ cho đoàn tàu chạy nghiêng (tilting technology) và thử nghiệm các dải vận tốc cao hơn.

1975: Kỷ niệm tuyến đường sắt Stockton - Darlington 150 năm

British Rail đã tổ chức lễ chào mừng 150 năm ngày khánh thành tuyến đường sắt Stockton - Darlington một cách hoành tráng và ấn tượng. Một cuộc tuần hành của các đoàn tàu chở đầy khách được tổ chức tại Shildon, vừa có các đoàn tàu di sản vừa có cả các đoàn tàu công nghệ hiện đại đương thời (state-of-the-art technology).

1979: Nữ lái tàu đầu tiên

Karen Harrison nộp đơn vào chương trình đào tạo lái tàu của British Rail, ký tên trên đơn là K. Harrison. Ở vòng phỏng vấn trực tiếp, các sếp mới nhận ra cô không phải là nam giới. Karen đạt các tiêu chuẩn để trở thành một trong những nữ lái tàu đầu tiên, nhưng việc cô được công nhận trong công việc vẫn còn là một thách thức.

1986: Thiết kế mới của InterCity

Mặc dù đã là thương hiệu của một loại hình dịch vụ của British Rail từ những năm 1960, InterCity đã được thiết kế lại và trở thành “bộ mặt” mới đại diện cho đường sắt Anh Quốc vào những năm 1980. {inter-city rail/train/bus có nghĩa chung là “đường sắt/đoàn tàu/tuyến xe buýt chạy liên tỉnh/thành phố; InterCity (được viết hoa) là một thương hiệu}

1990: Đường hầm qua eo biển Manche (Channel Tunnel) (9)

Vào ngày 01 tháng 12 năm 1990, các đội kỹ thuật xây dựng của Anh và Pháp đã cùng nhau bắt đầu xây dựng đường hầm qua eo biển Manche. Bốn năm sau, Channel Tunnel bắt đầu được đưa vào khai thác, phục vụ giao thông đường sắt.

1994: Tư nhân hóa ngành đường sắt

Chính phủ Bảo Thủ (the Conservative government) {tức Chính phủ mà khi đó do Đảng Bảo Thủ nắm quyền} bắt đầu quá trình tư nhân hóa ngành đường sắt. Các công ty tư nhân tiếp quản đội phương tiện đường sắt, kết cấu hạ tầng và mạng lưới vận chuyển.

2003: Eurostar thiết lập kỷ lục về vận tốc tại Anh Quốc cho tàu đường sắt

Eurostar thiết lập kỷ lục vận tốc tại Anh Quốc, đạt 208 mph (334,7 km/h) trên tuyến HS1 {chính là tuyến đi qua Channel Tunnel được nêu trên, kết nối nhanh chóng London với các thành phố lớn ở Châu Âu lục địa}.

2020: Hiện đại hóa

Đại dịch {COVID-19} đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành vận tải đường sắt, nhưng các kế hoạch hiện đại hóa vẫn tiếp tục được triển khai. Công tác xây dựng tuyến HS2, đoạn nối từ London đến Birmingham, được bắt đầu.

2021: Quốc hữu hóa 2.0

Kế hoạch quốc hữu hóa ngành đường sắt được triển khai trở lại. Một Chính phủ khác của Đảng Lao Động hứa hẹn thực hiện kế hoạch. {xem lại trên để thấy Anh Quốc đã tiến hành quốc hữu hóa ngành đường sắt năm 1948 dưới Chính phủ Lao Động, rồi lại tư nhân hóa ngành đường sắt năm 1994 dưới Chính phủ Bảo Thủ, lần này năm 2021 trở lại quốc hữu hóa – nên gọi là Quốc hữu hóa (phiên bản) 2.0}

2024: Du lịch đường sắt được “xanh hóa” hơn

Ngành đường sắt Anh Quốc đang chuẩn bị cho mục tiêu không phát thải carbon (zero carbon) vào năm 2045 tại Scotland và vào năm 2050 tại nước Anh và Xứ Wales. Tiến trình này nhằm mục đích “mang” người tham gia giao thông từ các phương thức vận tải khác (mà) gây ô nhiễm nhiều hơn sang với đường sắt và vận chuyển hàng bằng đường sắt nhiều hơn, giúp Anh Quốc đạt được các mục tiêu không phát thải ròng (net zero targets).

Tương lai của đường sắt Anh Quốc sẽ như thế nào

Chính phủ Lao Động {nắm quyền lại từ tháng 7 năm 2024} đã hứa hẹn với cử tri ngay từ trước cuộc bầu cử rằng họ sẽ đưa hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt trở về lại với sở hữu công cộng bằng cách công bố thành lập Đường sắt Anh quốc – GBR (Great British Railways). Hầu hết các hợp đồng hiện tại về thuê/cho thuê sử dụng các kết cấu hạ tầng đường sắt {xem chú thích (1) để rõ hơn nội dung này} sẽ hết hạn vào cuối năm 2025 và trong khi vẫn còn một số hợp đồng kéo dài đến những năm 2030, các nguồn tin từ Ban lãnh đạo Đảng Lao Động đã ám chỉ rằng Chính phủ có thể tận dụng các điều khoản về thương thảo chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (break clause) để đưa các dịch vụ vận tải đường sắt này quay lại chế độ sở hữu công cộng (public ownership) {hay còn được gọi là “sở hữu Nhà nước”} được sớm hơn.

Theo kế hoạch của Chính phủ Lao Động thì Chính phủ vẫn sẽ để cho các công ty tư nhân về vận tải đường sắt thuộc nhóm đối tượng “open-access” (tạm dịch: cơ hội mở) (10) như Grand Central, Heathrow Express, Hull Trains và Lumo – tiếp tục khai thác các dịch vụ vận doanh đang có. Các công ty đường sắt vận tải hàng hóa trên mạng lưới đường sắt cũng vẫn sẽ thuộc khu vực tư nhân.

Theo kế hoạch này, hầu như tất cả các công ty đường sắt chuyên chở hành khách sẽ được chuyển đổi sang chế độ sở hữu công cộng ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Chính phủ Starmer {Chính phủ Anh Quốc hiện do Thủ tướng Keir Starmer điều hành}.

Điều này sẽ dẫn đến việc quốc hữu hóa (nationalization) nhiều công ty như: Avanti West Coast, c2c, Chiltern Railways, Chiltern Railways, Cross Country, East Midlands Railway, Gatwick Express, Grand Central, Great Northern, GWR, Greater Anglia, London Northwestern Railway, London Overground, Merseyrail, South Western Railway, Southern, Stansted Express, Thameslink và West Midlands Railway.

Còn LNER, Northern, Transport for Wales, Southeastern, Scotrail, Caledonian Sleeper và Transpennine Express hiện đã thuộc về sở hữu Nhà nước rồi.

Đảng Lao Động cũng sẽ giải thể Network Rail trong kế hoạch chuyển giao quyền sở hữu và vận doanh đường sắt cho doanh nghiệp mới {tức GBR}. Trong thời gian đó, Chính phủ đã thành lập Shadow GBR (tạm hiểu: Ban chuẩn bị cho GBR) để giám sát các hoạt động trong giai đoạn chuyển tiếp này. Shadow GBR gồm tập hợp các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Giao thông Vận tải Anh Quốc – DfT, Network Rail và các doanh nghiệp vận tải đường sắt thuộc sở hữu công cộng để hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm cải thiện chất lượng các dịch vụ vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa. Trong thành phần của Shadow GBR có thể kể đến là Giám đốc điều hành (CEO) của Network Rail, Tổng Giám đốc phụ trách dịch vụ đường sắt (Director General for Rail Services) thuộc DfT, Giám đốc điều hành (CEO) của DfT OLR Holdings Ltd (DOHL) {một công ty quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thuộc DfT}.

Việc tái quốc hữu hóa ngành đường sắt được kỳ vọng ​​sẽ tạo ra khoản tiết kiệm đáng kể cho công dân Anh Quốc (những người đóng thuế), ước tính khoảng 150 triệu bảng Anh (GBP) mỗi năm, bằng cách giảm khoản phí phải trả cho các công ty tư nhân.

Các chú thích do người dịch bổ sung:

Nội dung bài báo tuy không quá phức tạp về mặt chuyên môn, nhưng lại có những thông tin cần được bổ sung chú giải nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ, nắm bắt tốt hơn với điểm thông tin liên quan.

 (1)   Network Rail được hình thành từ năm 2002, hiện là một Tổng công ty được giao quản lý và bảo trì một phần lớn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trên đảo Đại Anh (Great Britain) của Anh Quốc (viết tắt của “Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland”), không bao gồm phần ở phía Tây Bắc trên đảo Ireland của Vương quốc này, các Công ty vận tải hành khách và hàng hóa là các “khách hàng” chính của Network Rail. Network Rail hiện là doanh nghiệp Nhà nước (public corporation) thuộc Bộ Giao thông vận tải – DfT (Department for Transport) Anh Quốc. DfT đã có những kế hoạch cải tổ, đổi tên Network Rail trong những năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn tất (xem thêm ở phần cuối nội dung chính của bài viết này).

(2)    Cách tổ chức hành chính ở nước Anh (England) nói riêng và toàn Anh Quốc (UK –United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland) nói chung là khá phức tạp và thay đổi giữa England, Scotland, Wales, Bắc Ireland... trong cùng Vương quốc này. Trong bài này người dịch tạm sử dụng cách dịch phổ biến ở Việt Nam cho từ “county” là “hạt”, được hiểu là tương đương với đơn vị hành chính cấp 1 (cấp tỉnh) như ở nước ta. Hạt Durham gồm có các đơn vị hành chính cấp thấp hơn, trong đó có Stockton-on-Tees, Darlington, Shildon mà tuyến đường sắt S&DR đi qua. Stockton-on-Tees và Darlington tương đương cấp huyện/thị xã (borough), trong khi Shildon thì tương đương cấp xã/thị trấn (parish).

       Cách giải thích này chưa hoàn toàn đầy đủ, tuy nhiên cũng không ảnh hưởng đến tính chính xác của nội dung chính của bài viết.

 (3)   Cách tổ chức các cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý ngành ở Anh Quốc nói chung và các quốc gia thành viên cũng khá phức tạp, khó dịch được ngắn gọn. Người dịch tạm để nguyên tên các cơ quan này, gồm: Transport Scotland, Transport for Wales, Northern Ireland Executive, Visit Britain vì điều này cũng không ảnh hưởng đến nội dung chính của bài viết.

(4)    còi tàu (train whistle) là một thuật ngữ được sử dụng chưa thật chính xác, chủ yếu do hoàn cảnh lịch sử để lại và do thói quen (?!), trong khi thực tế đây là một loại kèn hơi (air horn) có âm lượng cao. “whistle-off” là động từ chỉ hành động đoàn tàu nổi hồi còi (kè hơi) để báo hiệu chuẩn bị rời sân ga hoặc phát các tín hiệu thông báo, liên lạc khác.

(5)    đề-pô (tiếng Pháp: dépôt, tiếng Anh: depot) là một thuật ngữ kỹ thuật đường sắt chưa có thuật ngữ tiếng Việt tương đương, có thể hiểu chung là “trạm đầu mối kỹ thuật đường sắt” cho một hoặc một số tuyến – với 03 (ba) khu chức năng chính gồm: bãi đậu tàu gồm nhiều đường tàu cho đội phương tiện đường sắt; các xưởng bảo trì, sữa chữa lớn/nhỏ cho phương tiện, thiết bị đường sắt, các nhà kho chứa phụ tùng, vật tư thay thế; trung tâm điều hành, kiểm soát hoạt động chạy tàu – OCC (Operations Control Center). Depot Long Bình, được đặt tại phường Long Bình - thành phố Thủ Đức, của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ đầy đủ về một đề-pô đường sắt hiện đại. Ngữ cảnh trong bài nói về các đề-pô cũ cho các tuyến đường sắt chở hàng, có thể khác biệt ít/nhiều về quy mô và các hạng mục được kể trên, nhưng về vai trò phục vụ cho các tuyến đường sắt là tương đương nhau.

(6)    Alstom là một tập đoàn đa quốc gia có nguồn gốc và trụ sở chính tại Pháp, chuyên về chế tạo - sản xuất đầu máy, toa xe đường sắt (rolling stock manufacturer), bắt đầu được hình thành từ gần 100 năm trước. Dòng tàu điện Alstom Metropolis được cung cấp cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, tuyến đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2024 vừa qua.

(7)    Người dịch không chuyển ngữ từ Rocket này theo cách hiểu thông dụng của chúng ta ngày nay, vì vào nửa đầu thế kỷ 19 chưa có “tên lửa” (rocket) hiện đại để mà Stephenson đặt tên cho đoàn tàu nhanh nhất thế giới vào thời ấy. Thật ra, rocket thời ấy là tên gọi một loại vũ khí của quân đội Anh, được cầm tay hoặc đặt trên giá, bắn ra mũi phóng lửa hoặc đạn cầu lửa rất nhanh và xa. Có lẽ loại súng “hỏa hổ” nổi tiếng về mức độ công phá của đoàn quân áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ thần tốc quét tan 20 vạn quân Thanh đầu mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 “đánh cho chúng biết nước Nam anh hùng” cũng thuộc vào loại vũ khí kiểu này. Trong khoa học - kỹ thuật, kể cả nội hàm các tên gọi, thuật ngữ đôi khi cũng có sự biến đổi không nhỏ theo thời gian, theo mức độ phát triển của nền văn minh nhân loại.

(8)    “A Tale of Two Cities” (Câu chuyện về hai thành phố) là một tiểu thyết lịch sử nổi tiếng của đại văn hào người Anh Charles Dickens, với bối cảnh liên quan London và Paris trong những năm tháng Cách mạng Tư sản Pháp 1789. Trong ngữ cảnh bài viết, đây là một kiểu “chơi chữ” trong báo chí phương Tây.

(9)    Eo biển Manche (từ tiếng Pháp La Manche) là một đoạn eo biển dài thuộc Đại Tây Dương xen giữa đảo chính Đại Anh của Anh Quốc và bờ biển phía Bắc của Pháp Quốc, người Anh gọi là English Channel. Do đó, đường hầm qua eo biển Manche được người Anh gọi là Channel Tunnel (còn trong tiếng Pháp là Le Tunnel sous La Manche).

 (10) Trong vận doanh đường sắt ở nhiều nước Châu Âu, “open-access” để chỉ loại công ty vận doanh ký kết hợp đồng nhượng quyền khai thác mà trong đó chấp nhận các điều kiện rủi ro thương mại rất cao và/hoặc chạy trên các tuyến đường sắt thuộc sở hữu của thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước.

Một số chú thích ngắn khác của người dịch được in khác màu, được đặt trực tiếp trong bài để giúp giải thích nhanh nội dung bài báo tại đoạn/điểm liên quan.

   

Một cột đá kỷ niệm tại thị trấn Shildon, tại vị trí từng có một đoạn tuyến ray của đường sắt S&DR giao cắt đồng mức với đường bộ (level crossing), với dòng chữ “SHILDON – CRADLE OF THE RAILWAYS” (ShildonCái nôi của ngành đường sắt). Ảnh: RailwayMuseum