sgtvt@tphcm.gov.vn​ (84.028) 38.290.451
Mở rộng đại lộ đẹp nhất thành phố

Chỉ dài 615 m, rộng 7 m, đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt có thể coi là một trong những con đường ngắn nhất tại TP.HCM nhưng nó lại như một nốt son, điểm xuyết cho con đường đẹp nhất TP.HCM mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Lột xác dòng kênh

Ngày 26.4 vừa qua, tuyến đường song hành mở bên phải đại lộ Võ Văn Kiệt, kéo dài từ đường Nguyễn Thái Học chạy dọc kênh Bến Nghé, đi dưới gầm cầu Calmette, đến đầu đường Pasteur được thông xe. Tuyến song hành này đưa đại lộ Võ Văn Kiệt không chỉ là con đường đẹp nhất mà trở thành tuyến đường rộng nhất tại thành phố mang tên Bác.

Đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt nhìn từ trên cao

13 năm trước, tháng 9.2009, đại lộ Võ Văn Kiệt - nằm trên trục đại lộ nối từ đông sang tây - tuyến giao thông huyết mạch, liên kết TP.HCM với các tỉnh lân cận được đưa vào khai thác và trở thành con đường đẹp nhất TP.HCM, được mệnh danh là “con đường di sản” trong lịch sử phát triển và làm thay đổi bộ mặt TP.HCM. Bởi trước khi được xây mới, con đường chạy dọc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé này có vô số những căn nhà lụp xụp, nhà lá, nhà tự xây nhếch nhác, kéo theo rác sinh hoạt xả thải tự do khiến dòng kênh ô nhiễm khủng khiếp. Chính vì vậy, không chỉ là cơ sở hạ tầng quan trọng tạo nền tảng định hướng phát triển về hướng đông và hướng nam của TP.HCM, đại lộ này còn có vai trò lớn trong cải tạo môi trường ven kênh, thay đổi diện mạo của TP trong gần 15 năm qua. Đặc biệt, nó có công rất lớn khi làm “biến mất” hơn 10.000 căn nhà ổ chuột ở hai bên bờ kênh, giúp đổi đời hàng chục vạn người dân từng sống leo lắt bên dòng kênh ô nhiễm có cuộc sống tốt hơn, môi trường sống văn minh hiện đại hơn.

Khu này xưa nhếch nhác, đầy tệ nạn, nay đường sá sạch đẹp như bên Tây

____________

Chị Thanh Thanh, 34 tuổi, ngụ đường Phó Đức Chính (P.Bến Nghe, Q.1, TP.HCM)

Thế nhưng sau hơn 1 thập kỷ đưa vào khai thác, đại lộ Võ Văn Kiệt đã bắt đầu quá tải. Việc triển khai mở rộng tuyến đường song hành đại lộ Võ Văn Kiệt nhằm mục đích giảm lưu lượng xe dừng chờ, tránh ùn tắc tại khu vực giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con và các nút giao thông lân cận... Đoạn đường mới ngắn chưa tới cây số nhưng được bổ sung đầy đủ hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… Vỉa hè rộng hơn 1 m và được lát gạch hoàn chỉnh, đồng bộ với đường Võ Văn Kiệt.

Khi chúng tôi đến khu vực đường song hành Võ Văn Kiệt, đoạn dưới chân cầu Calmette, có vài người ghé tránh cái nắng nóng rát những ngày cuối tháng 4. Những mảng cỏ xanh bên lề đường mới trồng đã kịp nhú mầm xanh đầy sức sống. Nơi đây cũng là khu vực ghe thuyền cập bến để đưa hàng rau củ, thủy hải sản từ miền Tây vào 2 chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối trước đây. Chị Thanh Thanh, 34 tuổi, sống trong hẻm nhỏ trên đường Phó Đức Chính (P.Bến Nghe, Q.1), kể gia đình chị trước sống trong căn nhà cấp 4 bên Bến Chương Dương cũ, sau TP giải tỏa để làm đại lộ Võ Văn Kiệt, ba má chị nhận tiền đền bù vào mua nhà trong con hẻm này. Chị kể những đứa trẻ sống ven kênh hồi đó hiếm có đứa nào học hết phổ thông. Xóm lao động nghèo, con cái thường bỏ học theo má ra chợ, hoặc ở nhà đi làm công nhân. “Khu này xưa nhếch nhác, đầy tệ nạn, nay đường sá sạch đẹp như bên Tây”, chị Thanh nhận xét.

Quả thật, với cung đường song hành uốn lượn mềm mại, chạy dọc ven kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, bên kia bờ kênh là đường Bến Vân Đồn (Q.4) cũng sạch sẽ tươm tất với màu xanh mướt của cây cối tạo nên một không gian phố thị ven sông hiện đại, văn minh.

 Khu vực Bến Chương Dương (Q.1) giải tỏa trước năm 2005, hiện là khu vực đường song hành Võ Văn Kiệt

Giảm ùn tắc trước hầm Thủ Thiêm

Nếu những dự án ven sông như chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh đồng bộ với phố đi bộ Nguyễn Huệ là bước đầu tạo nên một không gian công cộng mang đậm nét đặc trưng của đô thị vùng sông nước thì dự án đường song hành Võ Văn Kiệt đóng vai trò quan trọng đối với công tác chỉnh trang đô thị, cải thiện các vấn đề giao thông của TP. Từ chiếc “xương sống” này cũng mở đầu mối giao thông trực tiếp qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết nối trung tâm TP với các khu vực khác về các hướng tây bắc, đông nam…

Chú Minh, tài xế xe công nghệ, nhà ở gần chợ Cô Giang (Q.1), nhận xét: “Xưa nay xe hơi, xe máy đi từ Bình Chánh, Q.5 qua đường Võ Văn Kiệt để vào trung tâm, đến gần cửa hầm Thủ Thiêm phải quay xe rẽ trái tại giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con. Nhiều người mới đi hoặc chưa quen, đại lộ thênh thang chạy bon bon quên mà chạy thẳng là phải vào hầm luôn, sang bên kia hầm một đoạn xa mới quay đầu về lại được. Rất bất tiện! Còn nếu quẹo vào đường Ký Con giờ cao điểm, lượng xe dừng chờ rẽ trái đông lắm, tràn hết mặt đường, lấn sang cả làn đường dành cho xe đi thẳng. Đặc biệt, mấy cậu thanh niên đi ẩu tạt ngang đầu xe hơi đi thẳng để vào làn xe chờ rẽ trái, nguy hiểm và lộn xộn lắm. Nên thêm đoạn đường ngắn này ưu tiên cho xe chạy thẳng vào khu vực trung tâm là rất hay, rất tiện lợi”.

Nhà ổ chuột ven kênh Tàu Hũ - Bến Nghé trước đây

Theo Sở GTVT TP.HCM, đường song hành sau khi hoàn tất sẽ giúp nâng cao năng lực thông hành của tuyến giao thông huyết mạch đông - tây, đặc biệt là khu vực cửa hầm vượt sông Sài Gòn. Các phương tiện có nhu cầu đi vào đường Pasteur hoặc Tôn Đức Thắng sẽ đi qua đoạn tuyến mở rộng, không rẽ trái vào đường Ký Con vào trung tâm Q.1 như trước. Điều này sẽ hạn chế mật độ lưu thông vào Q.1, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực cửa hầm Thủ Thiêm và khu vực trung tâm Q.1. Tại lễ thông xe ngày 26.4, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết việc xây dựng tuyến đường trong kế hoạch là 6 tháng, nhưng bị kéo dài gần 1 năm do dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, gây nhiều khó khăn về nhân công và vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, đơn vị thi công đã cố gắng hoàn thành dự án trước lễ 30.4 để giải quyết vấn đề căn cơ tại giao lộ Ký Con - Võ Văn Kiệt. Đặc biệt, đây là 1 trong 3 công trình giao thông tại TP.HCM được hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 30.4, đón chào ngày thống nhất đất nước.

Theo Nguyễn Nga báo Thanh Niên